Ông Thanh mua căn hộ Thảo Loan Plaza thuộc khu Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM với giá hơn 2 tỷ đồng được 2 năm nay. Khách hàng đã đóng 98% giá trị căn hộ, theo hợp đồng, chủ đầu tư là Công ty Thảo Loan phải bàn giao nhà vào quý II/2012, giao chậm 3 tháng sẽ bị phạt. Thế nhưng hơn 24 tháng qua, tiền tỷ đã trả mà ông Thanh vẫn phải ở trọ, trả lãi vay ngân hàng trong khi dự án đình trệ, đổi chủ đầu tư liên tục. "Nếu tính cả lãi suất ngân hàng, tôi đã chi gần 2,5 tỷ đồng vào căn hộ Thảo Loan Plaza Phong Thủy . Hiện có khoảng 50 khách hàng bị vướng vào dự án này, chúng tôi phải săn lùng chủ đầu tư trong vô vọng, đứng ngồi không yên vì dự án vướng nợ chồng chéo", ông Thanh tâm sự. Theo giải thích của Công ty Thảo Loan với khách hàng, doanh nghiệp đã thế chấp toàn bộ dự án cho Ngân hàng Agribank chi nhánh Sài Gòn để trả nợ. Dự án cũng 3 lần thay đổi chủ, nhưng các chủ đầu tư mới chỉ hứa suông. Trong khi đó, quan điểm của Agribank chi nhánh Sài Gòn là dự án đã thế chấp tại ngân hàng thì mọi giao dịch phải thông qua ngân hàng. Song, do chủ đầu tư đã mua bán chồng chéo các căn hộ nên ngân hàng không thể mạo hiểm hoàn thiện công trình. Rơi vào vòng lẩn quẩn này, khách hàng đóng tiền tỷ mua căn hộ nhưng vẫn sống cảnh không nhà. Một nhà thầu xây dựng tại TP HCM cũng đang khởi kiện Công ty Thảo Loan để đòi nợ phân trần với phóng viên: "Chúng tôi làm trong ngành bất động sản mà vẫn bị lầm thì khách hàng làm sao tránh được những cái bẫy". Đại diện nhà thầu này cho hay rắc rối trong vụ kiện tụng Công ty Thảo Loan do liên tục thay đổi chủ. Tòa án phát lệnh triệu hồi rất vất vả và mất nhiều thời gian. < src="http://congly.com.vn/resize.550x-/data/news/2014/10/30/53/atb1duandaynokhachh32951414642553jpg1414651547.jpg" style="width: 480px; height: 288px;"> Chủ đầu tư dự án Thảo Loan Plaza ngập nợ, đổi chủ đầu tư mới nhưng không hoàn thiện công trình khiến khách hàng bị treo nhà nhiều năm qua. Tương tự, khách hàng mua dự án Petro Vietnam Landmard, quận 2 cũng đứng ngồi không yên vì câu chuyện dự án vướng nợ nần chồng chéo. Vợ chồng bà Giàu mua căn hộ dự án này từ năm 2010 với giá 1,9 tỷ đồng, đóng 95% giá trị căn nhà. Song, 4 năm qua khách hàng vừa mất tiền tỷ vừa phải đi kiện đòi nhà. Không dừng lại ở đó, gia đình bà Giàu còn bị ngân hàng phát thư đòi tiền dù đã đóng đủ giá trị căn nhà. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều người mua dự án này. Báo cáo của chủ đầu tư trong lần gặp mặt khách hàng cuối tháng 9 vừa qua, Petro Vietnam Landmard gồm 418 căn hộ, tổng giá trị 1.028 tỷ đồng, đã bán 412 căn, thu về 739,5 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư vào dự án hơn 892 tỷ đồng nhưng mới xây thô. Để hoàn thiện và bàn giao nhà cần tới 414,13 tỷ đồng. Chủ đầu tư thừa nhận với khách hàng đang nợ Ngân hàng Liên Việt chi nhánh TP HCM 191 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Trường hợp của ông Nhật, khách hàng mua căn hộ Vạn Hưng Phát quận 8 còn bi đát hơn. Ông đã đóng gần 2 tỷ đồng mua căn hộ này nhưng dự án sạch vốn, chủ đầu tư còn bị siết nợ. Ông Nhật cho hay đã thử bán đổ bán tháo để thoát thân nhưng không ai mua. "Tôi không tin nổi khách hàng nộp đủ tiền mà dự án vẫn ngập nợ. Chủ đầu tư dùng tiền vào mục đích gì. Người mua nhà chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi quá", ông Nhật than thở. < src="http://congly.com.vn/resize.550x-/data/news/2014/10/30/53/atb3duandaynokhachhang226857931414642553jpg1414651547.jpg" style="width: 480px; height: 343px;"> Một dự án tại quận 8 bị đình trệ từ năm 2011 đến nay vì chủ đầu tư nợ nần chồng chất dù khách hàng đã đóng tiền tỷ để mua nhà. Trao đổi với phóng viên về thực trạng nợ chồng chéo của các dự án bất động sản, Tổng giám đốc Công ty đầu tư bất động sản Nam Việt, Phùng Văn Năng nhận xét, đây là mảng tối đáng buồn của thị trường địa ốc. Điều này có thể gây tác động không tốt đến tâm lý của người mua nhà, làm ảnh hưởng xấu đến những chủ đầu tư làm ăn nghiêm túc. Theo ông Năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án nợ chồng chéo. Đó là các chủ đầu tư dự án dùng vốn không đúng mục đích, lạm dụng đòn bẩy tài chính quá nặng tay, đầu tư dàn trải, thiếu khảo sát nên chưa am hiểu thị trường... Chuyên gia này đánh giá, bản thân khách hàng là người ngoài nghề không thể nào biết rõ tình trạng sức khỏe tài chính của chủ đầu tư, cũng như rất khó giám sát tiến độ các dự án nếu chỉ đang xây phần móng hoặc phần thân. "Một trong những cách mua nhà an toàn là chọn các công trình đã hoàn thiện, có lịch bàn giao nhà cụ thể. Nên quan sát và chờ đợi, đặc biệt là tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về mọi thông tin của dự án rồi mới xuống tiền để hạn chế rủi ro", ông Năng khuyên. Trưởng văn phòng luật sư Gia Linh, Nguyễn Sa Linh phân tích, đối với các dự án nợ chồng chéo gây thiệt hại cho người mua nhà, khách hàng nếu đã thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính (đóng tiền đúng tiến độ) nên mạnh dạn khởi kiện. "Có thể vụ kiện sẽ bị kéo dài thời gian do nhiều bên cùng liên quan trong vụ tranh chấp nhưng sớm muộn gì cũng có phán quyết cuối cùng của tòa án để đòi lại quyền lợi hợp pháp của khách hàng", ông Linh nói. Theo Luật sư Nguyễn Sa Linh, trường hợp này, chủ đầu tư - doanh nghiệp đứng tên bán căn hộ trong hợp đồng - phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người mua nhà. Nếu chủ đầu tư cũ bán dự án hay nhượng công ty cho chủ đầu tư mới thì đồng nghĩa với việc chủ mới của dự án phải kế thừa nghĩa vụ của chủ đầu tư cũ. Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và khách hàng sẽ là cơ sở để giải quyết tranh chấp khi khởi kiện ra tòa. Những khoản nợ của doanh nghiệp với nhà thầu, nhà băng là một tranh chấp riêng biệt, không gộp chung vào với tranh chấp đòi nhà của khách hàng. Luật sư Linh giải thích, đối với dự án hình thành trong tương lai, nếu chủ đầu tư đã thu 80-90% giá trị tài sản đã bán cho khách hàng nhưng rồi sau đó sang nhượng dự án, cầm cố cho ngân hàng, gán nợ cho nhà thầu là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định 71 (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở). Ông Linh cho hay, bản thân ngân hàng nhận cầm cố, cho vay trong những trường hợp này cũng cần phải rà soát lại xem có tuân thủ đúng quy định của ngân hàng hay chưa. Trong trường hợp cho vay xây dự án, nhà băng cũng chỉ giải ngân theo tiến độ, còn cầm cố thì đã thẩm định kỹ càng. Nếu dự án và chủ đầu tư chẳng may vỡ nợ, nhà băng không được phép xiết nợ những tài sản do khách hàng đứng tên hợp đồng mà chỉ được phát mãi những tài sản chưa có người mua. Quan điểm của Luật sư Linh, khi dự án nợ chồng chéo khách hàng là bên chịu thiệt hại nặng nề nhất. Người dân thiếu thông tin về tình hình tài chính của chủ đầu tư, không nắm rõ được dòng tiền của dự án dẫn đến họ bị yếu thế hơn. "Đây là kẽ hở đáng báo động, khách hàng cần phải chú ý đến yếu tố này khi quyết định mua nhà hình thành trong tương lai", ông Linh khuyến cáo.
Xem Thêm :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét